Những chi tiết dể tổn thương nhất trên đồng hồ

Trước khi chọn mua một chiếc đồng hồ. Câu hỏi mà các bạn thường hay gặp phải đó chính là mẫu đồng hồ này có bền không, đâu là điểm dễ hư hỏng nhất trên mẫu đồng hồ này. Và nếu như bạn còn đang băn khoăn về những điều trên bài viết này sẽ dành cho bạn.

Chi tiết đầu tiên – Nút bấm
Nếu bạn đang sở hữu những mẫu đồng hồ của Casio hay những thương hiệu khác có cơ chế sử dụng nút bấm để điều chỉnh các chức năng bên trong đồng hồ.

Mình có thể khẳng định với các bạn, đây là một trong những chi tiết hay bị hư hỏng trong quá trình sử dụng.

Một số bạn có thể nghĩ đây là do hãng chế tác không tốt tuy nhiên, với cơ chế nút bấm, hư hại sau một thời gian dài sử dụng là điều không thể tránh khỏi.

Điều này được minh chứng ngay cả ở các hãng sản xuất bàn phím, ngay cả những chiếc bàn phím cơ chất lượng cao nhất hiện tại thì tuổi thọ của từng nút bấm trên đó chỉ được nhà sản xuất cam đoan rằng nó có thể vận hành ổn từ 50 đến 100 triệu lần nhấn.

Vậy, làm sao để khắc phục điều này? Đây là câu hỏi tương đối khó với cá nhân mình tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng chúng được xem như một trong những cách để kéo dài thời gian sử dụng chiếc đồng hồ với cơ chế này.

Ngoài ra, nếu bạn không muốn đối mặt với việc này, bạn nên chọn một mẫu đồng hồ được trang bị cơ chế điều chỉnh thời gian bằng núm vặn.

Chi tiết thứ 2 – Kính bị trầy xước trên các mẫu đồng hồ được quảng cáo là siêu bền
Khi nhắc về những chiếc đồng hồ siêu bền, nghĩ ngay đến thương hiệu G-shock.

Điều này cũng dễ hiểu vì mặt kính được trang bị trên những chiếc G-Shock là kính khoáng, trầy xước là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhưng vì với tâm lý là đang đeo một chiếc đồng hồ bền bỉ mà, cho nên nhiều bạn, thậm chí cả mình dùng tẹt ga, không ngại ngùng xíu nào, rất mạnh tay khi sử dụng.

Điều đó lại càng làm mặt kính càng nhanh trầy, xước – mất đi giá trị thẩm mỹ của chiếc đồng hồ.

Những phần gờ cao mặt trước có thể bảo vệ được mặt số khi va chạm, rơi rớt nhưng nếu bị tác động trực tiếp lên thì chúng cũng không thể bảo vệ được chiếc đồng hồ của bạn.

Theo mình biết thì những trường hợp này có thể đánh bóng được, chỉ cần không xước sâu. Một cách nữa là bạn có thể hạn chế bằng việc dán thêm cho nó một lớp kính cường lực, hoặc một lớp phim mỏng để bảo vệ.

Nếu bạn nào dùng những chiếc G-Shock có phần mặt tròn thì các bạn có thể dễ dàng tìm kiếm tấm kính dán cường lực được quảng cáo hiện nay.

Còn những chiếc với mặt kính hình dạng khác thì phải đặt các trang nước ngoài để mua, hơi kì công.

Hoặc đơn giản nhất thì mua những tấm dán phim dẻo chống trầy rồi tự mình khéo léo, cắt dán lên.

Chi tiết thứ 3 – Các ron cao su
Một cách diễn tả điều này thực tế hơn đó chính là chiếc đồng hồ của bạn bị hấp hơi nước trên mặt kính.

Phần lớn nó sẽ đến từ phần ron đồng hồ đóng không chặt, có thể thay pin đóng nắp không chặt, lệch ron, biến dạng ron gây ra.

Thậm chí là thao tác bấm nút khi bạn đang ở dưới nước gây hở ron làm nước ùa vào.

Nhưng đối với những tác nhân do thói quen sử dụng, thói quen bảo quản thì điều đó dễ hiểu, điều mình nhắc tới là những mẫu mới toanh luôn mà vẫn bị thì thế mới đau lòng.

Điều này trên thực tế lại xuất hiện khá ngẫu nhiên, chiếm tỉ lệ rất ít, hay còn gọi lại hên xui, không hẳn chiếc nào cũng bị.

Tất nhiên sẽ không có gì là hoàn mỹ hoàn toàn, tỉ lệ sai sót trong mặt sản xuất và kiểm tra có thể xảy ra, nhưng các bạn đừng quá lo lắng, đối với những sản phẩm được phân phối chính hãng thì việc bảo hành, hậu mãi sẽ rất thuận lợi cho các bạn.

Chi tiết tiếp theo – Vành bezel
Vành bezel cũng là một bộ phận phải được giữ nguyên bản

Vành bezel là một trong những chi tiết quan trọng làm nên giá trị của một chiếc đồng hồ đặc biệt là những chiếc đồng hồ lặn.

Song nếu vành bezel của bạn được làm từ ceramic,thì khả năng nó bị vỡ sau các va chạm mạnh như bạn vô ý quệch tay vào các vật dụng cứng là tương đối cao.

Vì thế, nếu đang sử dụng một chiếc đồng hồ sở hữu bezel bằng ceramic, hãy lưu tâm vấn đề này nhé.

Lỗi cuối cùng – Dây da
Mình thì vẫn chưa mắc phải trường hợp này, và mình nghĩ phần lớn nó đến từ cách bạn sử đồng hồ, cách bạn bảo quản.

Dây da là một trong những loại dây dễ bị hư hại nhất sau một thời gian dài sử dụng liên tục và không được bảo quản một cách hợp lý.

Do đó, chúng không thể bền bỉ trường tồn như chúng ta vẫn hay nghĩ.

Và để bảo quản được phần dây này tốt nhất, hạn chế nguy cơ đứt gãy thì mình xin chia sẻ thói quen của mình khi sử dụng, cài dây nhẹ nhàng, không dùng lực nhiều, không kéo căng dây, không uốn cong gấp dây, cài đỉa ở xa khoá rồi kéo lại.

Nếu bạn muốn bảo quản sợi dây da chính hãng của mình một cách tối đa, theo mình nghĩ, ngay từ khi mua về, bạn nên thay ngay một bộ dây da handmade, sau đó sử dụng chúng đan xem với dây chính hãng.

Từ đó bộ dây chính hãng của bạn sẽ được kéo dài thời gian sử dụng hơn rất nhiều. Một số tips khác để bảo quản đồ da như thường xuyên vệ sinh,… cũng vô cùng đáng để các bạn quan tâm.

Nếu các bạn muốn một sự lựa chọn tối ưu hơn thì những bộ khóa gập sẽ là một cứu cánh tuyệt vời cho những bộ dây da đấy

Và đó là những gì mình muốn gửi đến các bạn trong video này. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết chia sẻ trải nghiệm tiếp theo.

Nguyễn Ngọc Duy