Những ngày đầu của thương hiệu tỷ đô: Để hiểu được lý do tại sao Rolex trở thành thương hiệu có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến ngành công nghiệp đồng hồ, chúng ta phải quay trở lại thời điểm hơn 100 năm trước khi cái tên Rolex mới chỉ là ý tưởng trong đầu người doanh nhân trẻ tuổi Hans Wilsdorf. Với tầm nhìn xa trông rộng, năm 1905, Hans Wilsdorf và anh rể của mình, Alfred Davis đã hợp tác thành lập công ty sản xuất đồng hồ ở London, nơi họ chuyên nhập khẩu các bộ máy chất lượng của Hermann Aegler và sau đó đặt vào những chiếc vỏ đẳng cấp do công ty Dennison sản xuất. Những chiếc đồng hồ được xuất xưởng ở giai đoạn này đều được đóng dấu “W&D” ở mặt trong của nắp lưng như một cách ký tên của những nhà sáng lập.
Lịch Sử Đồng Hồ Rolex**
**Các Mẫu Đồng Hồ Rolex Nổi Tiếng**
**Ưu Điểm Nổi Bật Của Đồng Hồ Rolex**
Hans Wilsdorf, nhà sáng lập thương hiệu Rolex
Năm chữ cái vàng – Rolex: Năm 1908 là một năm quan trọng đối với công ty, Wilsdorf đã đăng ký thương hiệu “Rolex” và mở văn phòng Thụy Sĩ đầu tiên của họ tại La Chaux-de-Fonds. Vậy tại sao là “Rolex” mà không phải một cái tên nào khác?
Xung quanh tên thương hiệu không ít những lời đồn đoán và suy luận, tuy nhiên câu trả lời là vì Wilsdorf muốn thương hiệu của mình dễ phát âm bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Từ “Rolex” cũng được cho là giống như một chiếc đồng hồ đang được lên dây cót.
Ngoài ra trên mặt số của mỗi chiếc Rolex ngày nay, đi kèm với 5 chữ vàng là logo hình vương miện như một hằng số bất biến. Tương tự như cái tên Rolex, biểu tượng này nhận về không ít những lời suy luận về ý nghĩa đằng sau. Nhưng chẳng có gì huyền bí, ngoài việc Rolex muốn nhắc nhở tinh tế rằng, mỗi chiếc đồng hồ Rolex thực sự là một “vương miện của thành tựu” cho tất cả những ai sở hữu.
Logo của thương hiệu Rolex, được đăng ký bản quyền vào năm 1931
Được trao chứng nhận Chronometer về hiệu suất đo thời gian: Năm 1910, đồng hồ Rolex đã trở thành chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên được trao chứng nhận chronometer về hiệu suất đo thời gian. Đến năm 1914, một chiếc Rolex vàng nhỏ đã được trao chứng nhận độ chính xác loại A bởi Kew Observatory.
Có thể nói, đây là một vinh dự với Rolex vì thông thường giải thưởng này chỉ được trao cho các máy đo thời gian hàng hải. Chính sự kiện này đã mở đường cho Rolex trở thành một trong những thương hiệu được kính nể nhất trên thế giới về mức độ chính xác của những cỗ máy thời gian.
Chứng nhận “Class A” được trao bởi Kew Observatory: Thế nhưng, Hans Wilsdorf không đủ hài lòng với việc Rolex chỉ đơn thuần là chiếc máy đo thời gian. Hơn thế nữa, khi thành lập công ty vào năm 1905, ông đã đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng: “Sản xuất ra những chiếc đồng hồ có thể đồng hành cùng chủ nhân trong những chuyến phiêu lưu của cuộc đời dù bất cứ điều kiện nào”. Điều này đã được minh chứng qua chất lượng của những dòng đồng hồ Rolex.
Những khoản thuế thời chiến áp lên các mặt hàng xa xỉ khiến Wilsdorf rời Anh vào năm 1919. Ông cho rằng sẽ thuận lợi hơn nếu chuyển trụ sở đến Geneva, Thụy Sĩ vì vừa giảm được thuế phí, vừa có thể làm việc chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp của mình ở Bienne. Thương hiệu Rolex chuyển đến Geneva, Thụy Sĩ với tên gọi Rolex Watch Company. Sau đó, đổi thành Montres Rolex, SA và cuối cùng là Rolex, SA.
Trụ sở Rolex tại Geneva, Thụy Sĩ, Rolex và những “đứa con xuất chúng” đầu tiên: Để có thể lên được vị trí ngôi vương đã là một điều không dễ dàng. Làm thế nào để giữ vững ngôi vương đó trong nhiều thập kỷ lại càng khó khăn hơn nữa. Hãy điểm qua những cột mốc “đầu tiên” của Rolex để thấy rằng “Top 1” không phải may mắn mà là kết quả của sự cầu thị, từ tâm huyết nhà sáng lập và bàn tay nhà chế tác.
● Oyster – Đồng hồ đeo tay chống thấm nước đầu tiên trên thế giới (1926)
Ra mắt vào năm 1926, dòng đồng hồ Oyster đã đặt nền móng cho sự phát triển của Rolex. Đây là chiếc đồng hồ chống nước và chống bụi đầu tiên trên thế giới. Đây là kết quả xuất phát từ sự kết hợp chặt chẽ của các bộ phận: lớp vỏ, vành bezel, nút vặn và nắp lưng.
Không chỉ tự hào về khả năng chống nước, mà mẫu đồng hồ này còn mang tính thẩm mỹ cao, được xem như biểu tượng của Rolex trong suốt lịch sử phát triển của mình đó là vành bezel và mặt lưng có rãnh.
● Oyster Perpetual Movement – Cơ chế tự lên dây cót đầu tiên với rotor vĩnh cửu (1931)
Năm 1931 chứng kiến sự ra mắt của mẫu Oyster Perpetual đầu tiên – một cái tên vẫn làm say lòng nhiều tín đồ của Rolex ngày nay.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao nó được gọi là “chuyển động vĩnh cửu” chưa? Thay vì lên dây cót bằng tay, Oyster Perpetual Movement có khả năng chạy bằng năng lượng do chuyển động của cổ tay người đeo cung cấp. Hoạt động của người đeo làm cho rotor chuyển động qua lại, do đó sẽ lên dây cót và cung cấp năng lượng cho đồng hồ.
● Rolex Datejust – Phiên bản đồng hồ đầu tiên có cửa sổ ngày trên mặt số (1945)
Rolex Datejust được xem là một trong những phiên bản được yêu thích nhất của Rolex hiện nay. Dòng đồng hồ này ra đời lần đầu tiên vào một dịp khá đặc biệt, năm 1945 – đánh dấu 40 năm thành lập của thương hiệu. Chính vì vậy, Rolex muốn kỷ niệm sự kiện này bằng một chiếc đồng hồ mang tính đột phá. Kết quả là Datejust – chiếc đồng hồ đeo tay có khả năng chống nước, tự lên dây cót và có ô cửa sổ ngày trên mặt số thay đổi vào lúc nửa đêm ra đời.
● Pre-Rolex Explorer – Chiếc đồng hồ đầu tiên lên đỉnh Everest (1953)
Với mục tiêu tạo ra những cỗ máy có thể chịu được các yếu tố khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, Rolex bắt đầu gửi những chiếc đồng hồ của mình đến các nhà thám hiểm Himalaya. Kết quả không phụ sự kỳ vọng của thương hiệu khi vào năm 1953, Anh Edmund Hillary trở thành người đầu tiên lên đến đỉnh Everest và trên cổ tay của anh ấy là một chiếc Rolex Oyster Perpetual.
Nắm bắt thời cơ đó, không lâu sau sự kiện trên Rolex tung ra dòng Explorer với lớp vỏ Oyster chống nước và bộ máy Perpetual lên dây cót tự động như một lời khẳng định đây sẽ là chiếc đồng hồ mà mọi nhà thám hiểm đều cần đến. Thế mới thấy, chiến lược tiếp thị đón đầu thành công của Rolex khôn ngoan đến chừng nào!
● Rolex Submariner – Đồng hồ đầu tiên chống nước đến 100m (1954)
Rolex đã có những chiếc đồng hồ chống nước từ cuối những năm 1920, sau khi tung ra loại vỏ Oyster. Tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ với một thương hiệu có sự cầu thị đến khắc nghiệt.
René P. Jeanneret, một trong những giám đốc của Rolex đồng thời cũng là một người đam mê bộ môn lặn biển đã đề xuất ý tưởng thiết kế một mẫu đồng hồ chuyên dụng cho những nhà lặn biển. Đó chính là lý do vì sao Rolex Submariner được ra đời vào năm 1953 với vinh dự là chiếc đồng hồ lặn có khả năng chống thấm nước lên đến 100m.
● Rolex Yacht-Master II – Đồng hồ đeo tay đầu tiên cho những nhà đua thuyền (2007)
Vành bezel của Rolex đã được ứng dụng với nhiều chức năng qua các thập kỷ. Tuy nhiên, cho đến khi Rolex Yacht-Master II ra mắt, công chúng mới thực sự nhìn nhận sự đột phá táo bạo của thương hiệu này với việc sử dụng vành đồng hồ như một khung viền thời gian, để đặt đồng hồ đếm ngược. Chức năng độc đáo trên của Rolex kết hợp với thiết kế tinh tế và độ chính xác hoàn hảo được xem như món quà dành riêng cho những cuộc đua thuyền máu lửa trên biển cả.
● Rolex GMT-Master II Batman – Đồng hồ vành bezel hai màu đầu tiên (2013)
Vào năm 2005, Rolex đã giới thiệu vành bezel bằng gốm Cerachrom trong những chiếc đồng hồ của mình. Được làm từ chất liệu gốm sứ cực kỳ chắc chắn nên những ai sở hữu dòng đồng hồ này hầu như không phải lo lắng trước nguy cơ trầy xước hay phai màu.
Đến năm 2013, Rolex đã nâng tầm thiết kế và đạt được điều vốn cho là không thể, đó là tạo ra một vành bezel bằng gốm với hai màu, nhưng được sản xuất dưới dạng một mảnh duy nhất. Rolex bắt đầu tạo ra khung bezel bằng một màu, sau đó thêm màu khác trước khi khung bezel cứng lại. Kết quả là một vòng gốm duy nhất hai màu, không bị chảy máu và phai màu dần theo thời gian. Rolex là thương hiệu duy nhất trên thế giới thực hiện quy trình được cấp bằng sáng chế này.
Rolex – Bậc thầy trong tiếp thị: Trong thời đại công nghệ ngày nay, tiếp thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào, với Rolex cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, để vươn tầm trở thành thương hiệu đồng hồ số 1, chắc chắn cách truyền thông không thể đơn giản và tầm thường. Dó đó, không sai khi nói rằng Wilsdorf, cha đẻ của Rolex là bậc thầy trong tiếp thị.
Rolex đón đầu truyền thông như thế nào?
Chúng ta đã từng biết, đồng hồ của Cartier tô điểm cho cổ tay của các phi công nổi tiếng. Jaeger LeCoultre’s Reverso được săn đón trong giới chơi polo. Hublot được xem như dòng đồng hồ của những người nổi tiếng. Còn với Rolex, Wilsdorf đã đảm bảo thương hiệu của mình luôn nằm trên cổ tay của những người dũng cảm nhất, đã hoàn thành một kỷ lục nào đó được ghi nhận.
Bởi vì Wilsdorf hiểu rằng khi ai đó lập kỷ lục, sẽ được truyền thông chú ý và việc của ông chỉ là trang bị những chiếc Rolex trước khi những chuyến thám hiểm của họ bắt đầu.
Điểm hình là một năm sau khi ra mắt mẫu Rolex Oyster, Hans Wildorf đã tặng một chiếc cho vận động viên bơi lội nổi tiếng Mercedes Gleitze, để cô ấy đeo khi bơi qua eo biển Manche. Kết quả là, chiếc đồ vẫn hoạt động bình thường trong suốt 10 giờ ngâm trong nước lạnh và không một giọt nước nào có thể lọt vào bên trong.
Mercedes Gleitze và chiếc Rolex Oyster cô đã đeo khi bơi qua eo biển Manche
Người tiêu dùng vẫn rất nghi ngờ về khả năng chống nước của Rolex Oyster. Wilsdorf gạt đi những nghi ngờ đó bằng cách nhấn chìm những chiếc Oyster trong bể cá ở các cửa hàng bách hóa có lượng người qua lại cao như Harrods, London. Song song với đó, là hình ảnh những chiếc Oyster ngập trong nước được phát đi phát lại trên quảng cáo để tiếp cận với khách hàng quốc tế.
● Năm 1933 – Những chiếc Rolex Oyster đã cùng với đoàn thám hiểm Houston bay qua Mt. Everest ở độ cao hơn 33.000 feet.
● Năm 1935 – Một chiếc Rolex đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ trên cạn với vận tốc khoảng 485 km/h khi được nằm trên tay của tay đua lừng danh Sir Malcolm Campbell.
Sir Malcolm Campbell cùng chiếc Rolex Oyster của mình
● Năm 1953 – Chiếc Rolex Oyster Perpetual đã đồng hành cùng Sir Edmund Hillary và Tenzing Norgay trong cuộc thám hiểm Himalaya và trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên lên đỉnh Everest. Cùng năm đó, Rolex phát hành một phiên bản của chiếc đồng hồ đó có tên là Explorer.
● Năm 1955 – Đồng hồ Rolex đồng hành cùng những chuyến bay xuyên lục địa thương mại đầu tiên. Rolex sau đó đã trang bị cho các phi công Pan American chiếc GMT Master.
● Năm 1956 – Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã đeo trên tay chiếc Rolex Day-Date và sau đó Rolex quảng cáo rầm rộ về mối quan hệ với các nhà lãnh đạo thế giới.
Lyndon B. Johnson và trên tay là chiếc Rolex Day-Date
● Năm 1956 – Dòng Oyster Perpetual Milgauss được chứng minh là có thể chịu được từ trường lên đến 1000 gauss. Các quảng cáo của dòng đồng hồ này sau đó nhắm đến mục tiêu là các kỹ sư và nhà khoa học.
● Năm 1960 – Một chiếc Rolex Deep Sea Special đã được gắn thử nghiệm vào tàu ngầm Trieste trong cuộc thám hiểm lặn xuống rãnh Mariana, điểm được xem có áp lực sâu nhất trên bề mặt trái đất. Sau chuyến thử nghiệm, tàu ngầm vẫn giữ được trạng thái hoạt động hoàn hảo và tất nhiên Rolex Deep Sea Special cũng không ngoại lệ.
● Năm 1963 – Rolex ra mắt Cosmograph Daytona, một chiếc đồng hồ bấm giờ dành riêng cho những tay đua.
Sự “bẻ lái” kịp thời trong tiếp thị của Rolex
Sự quan tâm của thế giới với những nhà thám hiểm nổi tiếng và những kỷ lục gia bắt đầu lắng xuống vào khoảng cuối thế kỷ 20. Cuộc chạy đua về không gian đang chậm lại và hầu hết các góc của thế giới đều được lập bản đồ. Thời đại kỹ thuật số thay đổi thế giới qua từng ngày, các công cụ khám phá tự nhiên đã dần được “số hóa” khiến đồng hồ cơ học ngày càng trở thành thiết bị lỗi thời.
Hiểu được thời cuộc, Rolex đã chuyển hướng trong cách tiếp thị sang tập trung vào các đại sứ, vận động viên ngôi sao, tài trợ cho các sự kiện thể thao (đặc biệt là quần vợt, golf, đua xe thể thao và du thuyền). Ngoài ra, thương hiệu còn nâng cao vai trò của mình như một nhà hảo tâm cho nghệ thuật và khoa học.
● Năm 1976 – kỷ niệm 50 năm cho ra đời Rolex Oyster, dòng đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên trên thế giới, Rolex đã lập ra giải thưởng Rolex Awards trao cho những cá nhân có đóng góp đáng kể trong việc cải thiện thế giới ở các lĩnh vực từ bảo tồn tự nhiên đến sức khỏe con người. Giải thưởng được xem như một mốc son trong quá trình phát triển của thương hiệu này.
● Năm 2002 – Chương trình sáng tạo nghệ thuật Rolex Mentor & Protégé được khởi xướng để tài trợ cho các cá nhân sáng tạo trong nghệ thuật. Chương trình đã liên kết Rolex với một loạt các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và kiến trúc sư. Vốn văn hóa của những đối tượng này chắc chắn có những giá trị nhất định đối với Rolex. Tuy nhiên, tầm nhìn của Wilsdorf về việc tài trợ cho chương trình này còn nhiều hơn những giá trị ấy.
Độc lập tài chính & Trạng thái phi lợi nhuận: Người ta thường nói rằng một nhà sáng lập hoặc CEO có tầm nhìn xa chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại từ hội đồng quản trị. Thực tế đã có những nhà sáng lập bị tách khỏi “đứa con đẻ” của mình (chẳng hạn như Steve Jobs tại Apple, Jack Dorsey tại Twitter, Jerry Yang tại Yahoo).
Thế nên, với một vị lãnh đạo có tầm nhìn xa và độc đáo như Wilsdorf thì tốt hơn nên làm việc độc lập để tự do trong những sáng kiến của mình. Vì sẽ thực sự vướng bận và khó khăn để thuyết phục hội đồng quản trị chấp nhận những khoản đầu tư khủng cho R&D một số mẫu đồng hồ “dị biệt” của Rolex, chẳng hạn như Deep Sea hay Daytona, vốn được xem là những thất bại thương mại trong nhiều thập kỷ.
Những sáng kiến táo bạo thường khó dung hòa với lợi ích của cổ đông, ngay cả khi người ta lập luận về cú hích marketing. Điều thực sự khiến Wilsdorf khác biệt với nhiều nhà sáng lập và khiến Rolex trở nên đặc biệt so với rất nhiều tập đoàn khác là sau khi Wilsdorf qua đời vào năm 1960, quyền sở hữu Rolex SA được chuyển cho Quỹ Hans Wilsdorf (được thành lập bởi Wilsdorf năm 1945, sau khi vợ ông qua đời), nhiệm vụ của tổ chức này chỉ đơn giản là duy trì Rolex SA vô thời hạn.
Theo luật pháp Thụy Sĩ, Rolex không phải trả thuế đối với doanh thu 4 tỷ đô la hàng năm của mình, và Rolex không bắt buộc phải tiết lộ bất kỳ hồ sơ tài chính nào. Sự sắp xếp này khiến các hoạt động kinh doanh của Rolex có vẻ không rõ ràng, nhưng những đóng góp của Rolex cho các cơ sở từ thiện là rất đáng kể.
Nhất quán về thiết kế: Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công và chất riêng của Rolex chính là thiết kế. Thương hiệu này được yêu thích vì chỉ thực hiện những thay đổi gia tăng và thận trọng đối với thiết kế đồng hồ của mình.
Nhiều người cho rằng các thiết kế ở thế kỷ 20 của Rolex đã đặt ra một tiêu chuẩn thẩm mỹ lâu dài đến mức Rolex đơn giản là không bao giờ cần thay đổi mọi thứ. Một số khác lại lập luận rằng, bởi vì đồng hồ đeo tay cơ học đã bị lỗi thời trong khoảng 5 thập kỷ, nên vẻ ngoài không thay đổi của Rolex đã đóng vai trò hoàn hảo trong xu hướng gia tăng đối với những chiếc đồng hồ mang phong cách hoài cổ.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những thương hiệu khác sẽ cho chúng ta thấy rằng sự tuân thủ nghiêm ngặt của Rolex đối với di sản thiết kế của họ là duy nhất trong số các nhà chế tác đồng hồ hàng loạt: Blancpain, công ty đã phát hành chiếc đồng hồ lặn đầu tiên, Fifty Fathoms, đã thay đổi thiết kế của mình theo xu hướng của những năm 1970 – động thái này đã thu hẹp tầm vóc của Blancpain trong thị trường đồng hồ lặn đến mức có mẫu phải bị loại khỏi danh mục. Vào năm 2007, Blancpain đã hồi sinh Fifty Fathoms ở dạng ban đầu và những mẫu mang phong cách hoài cổ ấy giờ đây đã trở thành một mặt hàng chủ lực trong danh mục đồng hồ của hảng.
Audemars Piguet đã phát hành dòng Royal Oak vào những năm 1970, tạo ra xu hướng cho đồng hồ thể thao bằng thép sang trọng. Tiếp nối xu hướng trên, hàng loạt thương hiệu vốn theo chủ nghĩa truyền thống như như IWC và Patek Philippe đã chấp nhận theo đuổi thị trường mới nổi này, cho ra mắt các dòng Ingenieur và Nautilus tương ứng. Chứng kiến những chuyển biến trên, Rolex vẫn bình thản đáp lại bằng cách tăng cường sản xuất Submariner, GMT Master và Daytona, nhưng chỉ tuân thủ các cải tiến cơ học gia tăng và chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ cho các thiết kế ban đầu. Xu hướng đồng hồ đeo tay bắt đầu thay đổi nhanh chóng vào những năm 1990 và Rolex vẫn vậy, gần như không làm gì để chạy theo xu hướng, mà chỉ giữ cho hầu hết các thiết kế theo khuôn mẫu truyền thống.
Top 3 chiếc đồng hồ được khao khát sở hữu nhất của Rolex
» Rolex Daytona với mặt số thiên thạch siêu xa xỉ
Năm 1963 dòng Rolex Cosmograph ra đời dành riêng cho những tay đua cừ khôi trên đường đua Daytona nổi tiếng, nên cái tên Daytona cũng được chọn để đặt cho dòng đồng hồ cá tính này. Vừa qua Rolex đã thực sự biến đường đua Daytona trở thành đường đua vào vũ trụ khi cho ra mắt 3 phiên bản Rolex Daytonas với mặt số bằng thiên thạch tuyệt đẹp. Ba cấu hình bao gồm:
• Vỏ vàng trắng, vành đồng hồ Cerachrom, dây đeo Oysterflex (ref. 116519LN)
• Vỏ, vành đồng hồ và dây đeo bằng vàng – vàng (ref. 116508)
• Vỏ, vành đồng hồ và dây đeo bằng vàng Everose (ref. 116505)
Phiên bản Rolex Daytona ref. 116505
Với góc nhìn về mặt kỹ thuật, đây là những chiếc Daytonas không có gì khác biệt, mà bạn đã biết trong nhiều năm qua: Cùng một vỏ bằng vàng 40mm, cùng một khung bằng gốm hoặc vàng, cùng một bộ máy cỡ nòng 4130 và cùng một dây đeo Oyster hoặc Oysterflex. Khác biệt duy nhất là mặt số thiên thạch đã mang lại cho chiếc đồng hồ này một cá tính riêng.
Rolex đã sử dụng mặt số thiên thạch từ khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thấy mặt số thiên thạch trên những chiếc Daytona có vành bằng bezel bằng gốm. Sự kết hợp này được đánh giá là vô cùng hoàn hảo. Vòng bezel màu đen đã làm nổi bật các hạt tinh thể của thiên thạch, giúp phiên bản này thêm lấp lánh và tăng thêm giá trị về thiết kế.
Phiên bản Rolex Daytona Ref. 116519LN
Những chiếc đồng hồ này không phải là phiên bản giới hạn, nhưng bạn nên nhớ rằng vì đây là Rolex nên có thể đặt cược rằng sẽ có một danh sách chờ dài vô kể hàng năm cho mỗi chiếc. Giá lần lượt là 34.050 đô la cho phiên bản vàng trắng, 41.000 đô la cho mỗi chiếc bằng vàng – vàng và 43.700 đô la cho vàng Everose.
» Rolex 6062 – Chiếc đồng hồ của vị hoàng đế cuối cùng Việt Nam
Hãy tưởng tượng hai trong số những đại lý và chuyên gia Rolex vĩ đại nhất ở Hoa Kỳ, Andrew Shear và Eric Ku khi được hỏi “Nếu bạn chỉ có thể sở hữu một chiếc Rolex, đó sẽ là chiếc đồng hồ nào?” và cả hai đều có câu trả lời giống nhau.
Lựa chọn của họ không phải là một siêu phẩm đắt tiền hay vượt trội về tính năng khiến cả thế giới phải trầm trồ mà đó là một chiếc đồng hồ vàng nhỏ 36mm, mặt số đen và một vài chỉ số kim cương.
Sở dĩ, chiếc đồng hồ này được các nhà sưu tập biết đến và trở nên độc nhất vô nhị vì nó từng thuộc sở hữu của Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam và Rolex 6062 cũng là một huyền thoại với những người đam mê Rolex.
Chiếc Rolex 6062 của vua Bảo Đại
» Bảo Đại là ai và chiếc đồng hồ này được ông sở hữu như thế nào?
Như đã nói, Bảo Đại là vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam – thành viên cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, gia tộc cầm quyền cuối cùng của dân tộc, trị vì suốt 13 đời. Tuy là thế tử của một nước phong kiến nhưng ông dành phần lớn thời thơ ấu của mình ở Pháp để học hành và trở về nước cai trị năm 18 tuổi. Chính vì vậy, cũng dễ hiểu khi ông sành về thời trang và xa xỉ phẩm.
Vào mùa xuân năm 1954, Bảo Đại tham dự Hội nghị Genève để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh. Trong thời gian này, khi ở Geneva cho cuộc đàm phán cuối cùng, ông đã bước ra khỏi khách sạn Hotel des Bergues, qua đường để đến Chronometrie Philippe Beguin, một đại lý Rolex.
Yêu cầu của vị vua trẻ đối với nhân viên rất đơn giản: “Một chiếc Rolex hiếm nhất và quý giá nhất từng được làm ra” và cuối cùng Rolex Triple Calendar Moonphase Reference 6062 được chọn.
Vua Bảo Đại
Tuy nhiên, sẽ thực sự không công bằng khi nói rằng chiếc đồng hồ này được yêu thích chỉ bởi vì nó được đeo trên tay hoàng đế Bảo Đại. Một trong những nguyên nhân là vì đây thực sự là một phiên bản tinh xảo về thẩm mỹ và giá trị về chất liệu từ nhà Rolex.
Thuộc dòng Triple Calendar, Rolex Bao Dai gây ấn tượng khi kết hợp võ Oyster vàng 18k và mặt số đen hút mắt. Các chi tiết như lịch tuần trăng và 5 viên kim cương phân bố trên các góc giờ tăng thêm nét sang trọng và đẳng cấp.
Chiếc Rolex 6062 của vua Bảo Đại
Ngoài ra, qua thách thức của thời gian hơn nữa thế kỷ, chiếc đồng hồ vẫn giữ được sự mới mẻ và “phong độ” đáng ngưỡng mộ nhờ các chất liệu tuyệt vời và khả năng chế tác tinh xảo của thương hiệu hàng đầu thế giới. Nó mang lại cảm giác không quá lộng lẫy, cũng không quá lớn nhưng vừa vặn cho những ai muốn khẳng định đẳng cấp của một tay chơi đồng hồ thực thụ.
» Rolex Submariner Ref. 124060 – Kết quả của sự hoàn thiện
Đồng hồ lặn, đồng hồ dụng cụ, đồng hồ thể thao…, chúng ta có thể gọi bất kỳ cái tên nào với Rolex Submariner. Nếu nhìn về quá khứ của dòng Submariner, có thể thấy được đây là chiếc đồng hồ dành cho những người thợ lặn. Để trở thành phiên bản ăn khách như ngày nay, Submariner đã phải mất một khoảng thời gian không hề ngắn.
Rolex Submariner Ref. 124060
Phiên bản Rolex Submariner Ref. 124060 có thể xem là một siêu phẩm trong bộ sưu tập, được ra đời vào năm 2020 với nhiều cải biến tích cực. Rolex Submariner ‘No Date’ Ref. 124060 tự đặt mình ngoài xu hướng chung khi trở thành mẫu duy nhất không có ngày tháng.
Đây thực sự là chiếc Submariner trong mơ của những ai theo chủ nghĩa thuần túy, mẫu Ref. 124060 được mệnh danh là tay sát thủ thu phục mọi tín đồ đồng hồ. Phiên bản này được bao phủ trong Oyster Steel với mặt số màu đen và vành bezel từ Cerachrom đen.
Ngoài ra, thiết kế mới lần này có một số điều chỉnh so với các phiên bản trước. Vỏ mới hiện có kích thước 41mm, tăng từ đường kính 40mm đã tồn tại trong hơn 60 năm qua. Việc tăng kích thước đồng nghĩa các điều chỉnh phải được thực hiện ở những chi tiết khác để đồng hồ trông cân đối và vừa vặn.
Steve McQueen đang nghỉ ngơi trên phim trường với chiếc Submariner ref.5512
Bên cạnh đó, bộ máy Calibre 3230 được sử dụng để thay thế bộ máy Calibre 3130, đã phục vụ mẫu đồng hồ này từ năm 2001. Động cơ mới hứa hẹn độ chính xác, mạnh mẽ và hiệu quả năng lượng hơn nữa. Dây tóc chống từ tính Parachrom màu xanh lam có khả năng chống va đập gấp 10 lần so với dây tóc thông thường và khả năng dự trữ năng lượng gần 70 giờ.
Đối với những tín đồ đồng hồ mà nói, các tiểu tiết đều vô cùng quan trọng. Và Rolex đã đúng với phương thức hoạt động của mình trong việc tân trang lại bộ sưu tập Submariner.
“Chúng ta không cần phải phát minh lại bánh xe khi đã có các công cụ để tạo ra chiếc bánh xe tốt nhất”. Với Rolex, phương châm trên có lẽ đã được sử dụng trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu của mình. Những mẫu đồng hồ mới kế thừa từ những phiên bản cổ điển với những cải tiến chừng mực – Đó là cách “một vị vua” không cúi đầu để đánh rơi “vương miện” và xứng đáng được tôn vinh!
Thư Micro
- Trang chủ
- Kiến thức về da thuộc
- Giày nam đẹp
- Thời trang và phụ kiện thời trang
- Tư vấn sử dụng dây nịt
- Tư vấn sử dụng ví da nam cao cấp